Dự án bài bản hút dòng tiền

Thị trường bất động sản phía Nam gần đây đã bắt đầu có sự điều chỉnh. Đặc biệt, sau cơn “địa chấn” liên quan đến việc Công ty Địa ốc Alibaba bán dự án “ma” ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận…, khách hàng ít nhiều đã có sự ảnh hưởng về tâm lý. Song đây là lúc thị trường bước vào giai đoạn “gạn đục khơi trong”, nhà đầu tư tỉnh táo hơn, không còn đầu tư theo phong trào, mà cẩn trọng hơn, tìm kiếm các dòng sản phẩm an toàn về pháp lý, có nhiều dư địa phát triển để đầu tư.

Theo phân tích của giới chuyên môn, trong bối cảnh thị trường hiện nay, thị hiếu đầu tư đang nghiêng về xu hướng vừa đầu tư vừa kết hợp nghỉ dưỡng. Do vậy, các khu vực có lợi thế gắn với sông nước, biển vẫn được ưa chuộng hơn cả. Trong đó, với các thị trường phía Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận là những “điểm nóng” hiện nay và thời gian tới.

Tại thị trường Bình Thuận, theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Vietnam, chỉ tính từ năm 2016 đến nay, giá đất tại Bình Thuận đã tăng từ khoảng 7 – 9 triệu đồng/m2, lên mức 24 – 28 triệu đồng/m2, tức tăng gấp 3 lần sau 3 năm.

Còn theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, dù sức nóng không diễn ra trên diện rộng, song các dự án được đầu tư bài bản bởi các chủ đầu tư uy tín vừa tung ra thị trường đã thu hút sự tham gia mạnh của nhà đầu tư. Đơn cử như Dự án Novaworld Phan Thiết do Tập đoàn Novaland làm chủ đầu tư, chỉ sau mấy tháng công bố ra thị trường, đã có hàng ngàn khách hàng đăng ký mua.

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, thời gian qua cũng diễn ra làn sóng ngầm về cơn sốt giá đối với các dự án có pháp lý hoàn chỉnh, vị trí tốt. Mới đây, Công ty Danh Khôi Holdings, chủ đầu tư Dự án Barya Citi tại TP. Bà Rịa tung ra thị trường 40 căn nhà phố cuối cùng thuộc dự án này, với mức giá thấp nhất là 3,5 tỷ đồng/căn nhà phố được xây dựng thô, chỉ trong buổi sáng, toàn bộ 40 căn nhà phố đã được khách hàng đặt mua. Như vậy, tính ra sau 1 năm, kể từ lúc tung sản phẩm nhà phố Barya Citi ra thị trường với mức giá thấp nhất 2,3 tỷ đồng/căn, dự án này đã có mức giá tăng lên đến hơn 30%, đó là chưa kể một số căn nhà phố mặt tiền đường Nguyễn Văn Cừ, một số trường hợp đã lướt sóng thành công với mức chênh lên đến gần 2 tỷ đồng/căn.

Tương tự, một dự án có mức giá tăng đáng chú ý khác gần đây là Dự án Baria City Gate do Tập đoàn Hưng Thịnh phát triển, nằm ngay Quốc lộ 51 (TP. Bà Rịa) được công bố ra thị trường hồi cuối năm 2018.

Theo ông Đoàn Thanh Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty PropertyX thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh, giá đất tại dự án này hiện được giao dịch trên thị trường với mức tăng bình quân từ 20 – 30% so với giá mở bán.

Ngoài những dự án kể trên, theo ghi nhận thực tế của phóng viên, một số dự án có pháp lý hoàn thiện, vị trí đắc địa gần đây cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Chẳng hạn, Dự án Khu đô thị sinh thái Marine City mới được tung ra thị trường đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư. Với quy mô 28,3 ha, tọa lạc ngay trung tâm Phước Tỉnh, cửa ngõ vào TP. Vũng Tàu, liền kề cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Marine City là một trong những dự án hiếm hoi đã hoàn thiện đầy đủ pháp lý, được mệnh danh là nơi giao thoa “giữa sông và biển”, với 3 mặt giáp sông tại khu vực phía Nam. Đồng thời, đây cũng là dự án duy nhất nằm tại eo biển nối dài đến khu du lịch biển đang hình thành và phát triển dọc bờ biển Vũng Tàu.

Dự án Novaworld Hồ Tràm xã Bình Châu Xuyên Mộc

Lợi thế hạ tầng và giá “mềm”

Nằm trong vùng tứ giác kinh tế trọng điểm phía Nam, so với các địa phương giáp ranh TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai…, Bà Rịa – Vũng Tàu được đánh giá như một thị trường mới nổi và còn đang được nhìn nhận ở dạng tiềm năng. Tại Bình Dương hay Đồng Nai, liên tục thời gian qua chứng kiến làn sóng tăng giá khá mạnh do bước vào giai đoạn cao trào của tốc độ đô thị hóa tại Bình Dương. Đặc biệt là các khu vực giáp ranh với TP.HCM như Dĩ An, Thuận An, sau thông tin các khu vực này sẽ lên thành phố, giá đất tăng cao chóng mặt, nhiều dự án có mức giá từ 80 – 100 triệu đồng, thậm chí có dự án giá hiện ở mức 150 triệu đồng/m2. Hay như tại TP. Biên Hòa, nếu như 3 hay 5 năm trước, giá vẫn còn dao động từ 40 – 50 triệu đồng/m2, hiện đã tăng lên gần như gấp đôi.

Theo ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Việt Holdings, nếu cách đây vài năm, nói Bà Rịa – Vũng Tàu là thị trường tiềm năng thì hiện nay thị trường này đã bắt đầu được đánh thức.

“Ở các khu vực lõi trung tâm của các huyện và trung tâm của TP. Bà Rịa, hiện quỹ đất không còn nhiều. Mặt khác, hiện nay, Bà Rịa – Vũng Tàu có quy định đất có diện tích từ 2.000 – 5.000 m2 phải lập dự án 1/500, đồng thời biểu giá tiền sử dụng đất năm 2019 tăng hơn 40% so với năm 2018, nên giá đất tăng cũng là điều dễ hiểu”, ông Tiến nói và cho biết thêm, ngoài các yếu tố trên còn có yếu tố khác là hiện nay có 5 xã nằm trong vùng quy hoạch sân bay Long Thành ở Đồng Nai bị giải tỏa trắng có dòng tiền đổ xô về các khu vực của Bà Rịa – Vũng Tàu để mua đất, vì giá đất ở Bà Rịa – Vũng Tàu so với nhiều khu vực khác vẫn còn khá mềm.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Vietnam, sự hấp dẫn của các thị trường bất động sản ven biển phía Nam mà cụ thể là Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận là có mức giá còn khá “mềm” so với những khu vực khác. Ở các thành phố du lịch khác như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc có giá mặt tiền biển cao ngất ngưởng. Cụ thể, tại Đà Nẵng là 300 – 450 triệu đồng/m2 và tại Nha Trang là 450 – 600 triệu đồng/m2… Trong khi đó, giá đất điển hình như giá đất mặt tiền biển tại trung tâm TP. Phan Thiết khoảng 80 – 100 triệu đồng/m2, ở Bà Rịa – Vũng Tàu có thể cao hơn nhưng vẫn còn mềm hơn nhiều so với các khu vực khác.

Một lợi thế lớn nữa để dự báo các thành phố du lịch như Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận sẽ còn phát triển mạnh thời gian tới là sự đột phá về chiến lược phát triển hạ tầng và du lịch. Với Bình Thuận, sự kỳ vọng lớn nhất trong kết nối hạ tầng là trong năm 2020 sẽ chính thức khởi công cao tốc TP.HCM – Phan Thiết và sân bay Phan Thiết, bởi một khi có đường cao tốc, sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Phan Thiết 4 giờ như hiện nay xuống còn 2 giờ.

Với Bà Rịa – Vũng Tàu, kể từ khi tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và Quốc lộ 51 mở rộng, khoảng cách di chuyển từ TP.HCM đến Bà Rịa – Vũng Tàu rút ngắn một nửa thời gian so với trước đây đã thu hút lượng du khách tăng đột biến. Đặc biệt, sắp tới đây, khi tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành đưa vào sử dụng sẽ kết nối toàn khu vực miền Tây với Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, sân bay Quốc tế Long Thành khởi động, sân bay lưỡng dụng Hồ Tràm, đường hầm xuyên biển nối Cần Giờ – Vũng Tàu, tuyến cao tốc Biên Hòa – Bà Rịa… tất cả sẽ trở thành “sợi chỉ đỏ” để Bà Rịa – Vũng Tàu cất cánh.

Theo báo bđs