TÁI KHỞI ĐỘNG CÁC DỰ ÁN ĐƯỜNG CAO TỐC
Sau thời gian gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng cũng như về nguồn vốn, các dự án xây dựng đường cao tốc trên địa bàn tỉnh đã được tái khởi động.

Đồ họa thể hiện các tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh (Thông tin: Phạm Tùng - Đồ họa: Hải Quân)

 

* Xây dựng 3/5 tuyến đường cao tốc 

Ngày 30-9 vừa qua, Bộ GT-VT phối hợp với UBND tỉnh đã chính thức thực hiện khởi công xây dựng đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây. Đây là sự kiện đánh dấu bước “khởi động” của dự án sau gần 13 năm chuẩn bị.

Đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây được chuẩn bị thực hiện từ năm 2007. Đây là dự án đường cao tốc đầu tiên của cả nước được thực hiện thí điểm theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Theo dự kiến ban đầu, dự án sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2015. Tuy nhiên do quá trình kêu gọi các nhà đầu tư gặp khó khăn nên dự kiến ban đầu đã không được thực hiện.

Năm 2018, dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây được đưa vào 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Mặc dù vậy, do tiếp tục gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư khiến dự án vẫn chưa thể được thực hiện. Chính vì vậy, dự án này buộc phải chuyển sang hình thức đầu tư công để có thể triển khai thực hiện.

Tháng 6-2020, Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc chuyển đổi phương thức đầu tư từ hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công đối với 3 dự án thành phần thuộc dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, trong đó có dự án Xây dựng đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây. Chỉ 4 tháng sau, dự án được chính thức khởi công thực hiện.

Trước đó, vào năm 2014, một tuyến đường cao tốc khác đi qua địa bàn tỉnh cũng đã được khởi công xây dựng là đường cao tốc Bến Lức – Long Thành. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến đầu năm 2020, do gặp khó khăn về nguồn vốn, dự án này cũng rơi vào cảnh thi công cầm chừng.

Thi công đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua khu vực rừng ngập mặn xã Phước Thái, H.Long Thành

Thi công đường cao tốc Bến Lức – Long Thành đoạn qua khu vực rừng ngập mặn xã Phước Thái, H.Long Thành

Ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam (SEPMU), chủ đầu tư dự án Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành cho hay, hiện nay dù hiệp định vay vốn mới vẫn chưa được ký kết, tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn đang tận dụng các nguồn vật liệu sẵn có từ trước để thực hiện thi công một số hạng mục thuộc gói thầu số 7 trên địa bàn H.Long Thành.

Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh có 5 tuyến đường cao tốc đi qua gồm: TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; Bến Lức – Long Thành; Phan Thiết – Dầu Giây; Biên Hòa – Vũng Tàu và Dầu Giây – Đà Lạt. Trong số này, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 2015.

Tuy nhiên, trước thực trạng quá tải của đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Bộ GT-VT đã giao Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long) tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc này và phải hoàn thành trong quý IV-2020. Cụ thể, trước mắt, để nghiên cứu giảm ùn tắc giao thông trên tuyến và xác định quy hoạch đất dành cho tuyến cao tốc nêu trên, Bộ trưởng Bộ GT- VT giao Tổng công ty Cửu Long tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, trình Bộ GT-VT trong đầu quý
IV-2020 làm cơ sở xem xét, đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong đó giai đoạn 2021-2030, nghiên cứu quy mô đầu tư từ 8-10 làn xe đoạn nút giao An Phú – Long Thành, riêng đoạn Long Thành – Dầu Giây giữ nguyên quy mô 4 làn xe.

Như vậy, đến thời điểm này, cùng với việc đưa vào khai thác đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và đang xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành; Phan Thiết – Dầu Giây thì đã có 3/5 tuyến đường cao tốc được quy hoạch đi qua địa bàn tỉnh đã và đang được triển khai thực hiện.

* Có hơn 120km đường cao tốc vào năm 2023

Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành có tổng chiều dài 58km. Theo ông Lê Mạnh Hùng, tháng 8-2020, Bộ Tài chính đã đề xuất Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) gia hạn hiệp định tài trợ lần 2 trị giá 286 triệu USD đến ngày
31-12-2023. Hiện nay, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư dự án Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành cũng đang kiến nghị các bộ sớm có công thư đề nghị ADB chấp thuận gia hạn hiệp định vay lần 2 để sớm có vốn thanh toán cho các nhà thầu thi công và triển khai thực hiện các hạng mục tiếp theo.

Khi hiệp định vay vốn được ký kết, tiến độ hoàn thành xây dựng toàn bộ đường cao tốc Bến Lức – Long Thành dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2023. Khi đường cao tốc Bến Lức – Long Thành được xây dựng hoàn thành, Đồng Nai sẽ có thêm 27km đường cao tốc từ dự án này.

Đối với đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, do là dự án trọng điểm quốc gia nên thời gian thực hiện cũng được quy định rất chặt chẽ.

Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông, khi ký hợp đồng với các nhà thầu xây dựng, trong điều khoản hợp đồng đều có điều khoản xử phạt nếu xảy ra tình trạng chậm tiến độ. Đồng thời, ngay sau lễ khởi công, Bộ GT-VT cũng đã yêu cầu các nhà thầu tập trung huy động nhân lực, vật lực để đảm bảo tiến độ dự án. “Dự án Xây dựng đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây là dự án trọng điểm quốc gia, có thời gian thi công khá gấp rút chỉ trong vòng 24 tháng” – Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh.

Đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây có tổng chiều dài 99km. Theo tiến độ đề ra, vào năm 2022, khi dự án Đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây hoàn thành xây dựng, Đồng Nai cũng sẽ có thêm 51,5km đường cao tốc từ dự án này.

Đối với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng có tổng chiều dài 55km, trong đó đoạn đi qua địa bàn tỉnh có chiều dài hơn 40km.

Với các mốc tiến độ đưa ra, đến năm 2023 khi dự án Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành xây dựng hoàn thành, Đồng Nai sẽ có gần 120km đường cao tốc đi qua địa bàn từ 3 dự án đường cao tốc gồm: TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; Phan Thiết – Dầu Giây và Bến Lức – Long Thành.

Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1) qua địa bàn 2 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai.

Theo đó, dự án sẽ được đầu tư theo hình thức PPP (hợp đồng BOT), có tổng chiều dài 53,7km, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài 34,2km, đoạn qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dài 19,5km. Điểm đầu nối với tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn tránh TP.Biên Hòa, điểm cuối giao với đường vành đai TP.Bà Rịa (quốc lộ 56). Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 19 ngàn tỷ đồng. Dự kiến khai thác cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu vào năm 2025.

Đối với dự án Xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt có chiều dài hơn 200km từ TT.Dầu Giây đến đầu đường cao tốc Liên Khương – Đà Lạt (H.Đức Trọng, Lâm Đồng), được chia làm 3 dự án thành phần. Trong đó, dự án từ Dầu Giây đến Tân Phú dài 60km tổng kinh phí khoảng 6,4 ngàn tỷ đồng. Tuyến đường thiết kế 4 làn xe, tốc độ 80-100km/giờ.